Sông Sài Gòn như một con rồng lớn uốn lượn trong lòng đại đô thị và đang dần trở thành một trục mới trong sự phát triển của TPHCM.

Tạo nét đặc trưng của đô thị ven sông

Sài Gòn vốn là một thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông và sông Sài Gòn còn là cửa ngõ ra thế giới. Sài Gòn xưa kia được quy hoạch với nhiều công trình kết nối nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như các bến cảng, chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập… Nhiều điểm vui chơi, giải trí, phát triển kinh tế đều hướng ra sông Sài Gòn. Kênh Lớn (nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ), kênh Xáng (hiện là đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương với sông Sài Gòn và tổ chức các sự kiện quốc tế, dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa, thương mại với các hoạt động “trên bến dưới thuyền”.

Ngày nay, giao thông kết nối đôi bờ sông Sài Gòn thuận lợi hơn khi hàng loạt cây cầu như cầu Sài Gòn, Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2, cầu Bình Phước, Bình Lợi, Bình Triệu, Chữ Y, Phú Mỹ… được xây dựng. Tuyến buýt đường thủy từ quận 1 về phường Linh Đông (TP Thủ Đức) cũng đã được khai thác và đưa vào sử dụng.

Ngoằn ngoèo và gấp khúc, sông Sài Gòn tạo ra những dải đất rộng lớn, rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan, giải quyết giao thông và thoát nước. Đó là lý do TPHCM xây dựng đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM giai đoạn 2020 – 2045”. Mục tiêu TPHCM đề ra trong đề án là phát triển hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị, sức cuốn hút và tiềm năng phát triển kinh tế, dịch vụ cho TPHCM và vùng thành phố sáng tạo.

“Quy hoạch phát triển sông Sài Gòn phải tiếp cận theo hướng cộng đồng cùng tham gia; hướng đến ổn định cuộc sống người dân tối đa và ưu tiên đến sự hưởng thụ của người dân”.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, ông Nguyễn Thanh Nhã đánh giá, trong quá trình phát triển, chúng ta đã không đối xử với sông Sài Gòn như mong đợi. Cách đây vài năm, lãnh đạo TPHCM đã nhận ra điều này. Do đó, hiện nay, TPHCM đang quan tâm nhiều hơn, sâu sắc hơn đến cảnh quan sông Sài Gòn như một trục mới trong sự phát triển thành phố.

Khu vực trung tâm TPHCM, nhìn từ sông Sài Gòn Ảnh: Phạm Nguyễn

TPHCM chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung – hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ, tức ngã ba sông Sài Gòn – sông Soài Rạp (quận 7).

Dự án được chia theo lộ trình để thực hiện. Giai đoạn đầu, từ khi thực hiện đề án đến năm 2025, tiến hành cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn – khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2025 – 2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông…

Khách du lịch trải nghiệm buýt đường sông trên sông Sài Gòn 

Giữa tháng 3/2022, TPHCM hoàn thành và đưa vào sử dụng công viên bến Bạch Đằng với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha. Cùng với quảng trường quanh tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo vừa được cải tạo, bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm TPHCM được khoác lớp áo mới, hiện đại, thoáng mát.

Khơi dậy tiềm năng của sông Sài Gòn

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, không gian đô thị và nông thôn hai bên sông Sài Gòn, từ thượng nguồn vùng biên giới với Campuchia nối liền với không gian sông nước Tây Ninh – Đồng Nai – Bình Dương và TPHCM, sau đó nhập vào sông Soài Rạp chảy ra Biển Đông. Trong đó, TPHCM có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn từ bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đến bán đảo Tân Thuận (quận 7), với nhiều cơ hội cho những dự án thành phần trọng điểm.

Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực Thanh Đa – Bình Quới (quận Bình Thạnh) với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông. Chỉnh trang và phát triển khu vực Trường Thọ và Thảo Điền (Thủ Đức) với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, giao lưu quốc tế, đóng vai trò trung tâm ven sông của TP Thủ Đức. Chỉnh trang bờ Tây của khu trung tâm hiện hữu (gồm quận 1 và một phần của các quận 3, quận 4 và Bình Thạnh) theo hướng ưu tiên bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc với bản sắc văn hóa 300 năm phát triển của TPHCM; phát triển bờ Tây của khu trung tâm mới Thủ Thiêm với bản sắc trung tâm kinh tế tài chính và dịch vụ hiện đại. Chỉnh trang và phát triển khu vực cảng Sài Gòn và bán đảo Tân Thuận thành khu trung tâm hành chính mới, dịch vụ công cộng và đô thị xanh cho TPHCM.

Để đánh thức tiềm năng sông nước vốn có của sông Sài Gòn, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, TPHCM nên giao Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng phương án kiến trúc để phát triển đô thị hai bên bờ sông, dựa trên nền phân khu chức năng. “Ai cũng nhìn thấy tiềm năng của sông Sài Gòn, nhưng muốn khơi dậy được thì cần phải có giải pháp hợp lý. Để thu hút đầu tư thì cần phân rõ trách nhiệm, trong đó Nhà nước sẽ làm tới đâu, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia nhưng lợi ích phải rõ ràng. Nếu có nền tảng đầu tư của Nhà nước, tư nhân sẵn sàng tham gia, quan trọng là giữ được cảnh quan hai bên bờ sông, dù cho thay đổi quy hoạch ra sao thì không được phá vỡ điều này”, ông Mười nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đồng tình rằng, cần sớm có quy hoạch bờ sông trước để chỉnh trang đô thị một cách bài bản. Trong đó, việc tổ chức khai thác kinh tế, dịch vụ sẽ đánh thức tiềm năng ven sông Sài Gòn, hướng đến mô hình đô thị sông nước sinh thái. “Việc khai thác, kinh doanh không gian và quỹ đất ven sông Sài Gòn sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn và để kế hoạch không còn nằm trên giấy, cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội. Vì vậy, UBND TPHCM cần có quy chế quản lý, rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, không để tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc ven sông Sài Gòn”, ông Châu nói.

0/5 (0 Reviews)

Prime.net.vn

Môi Giới Bất Động Sản Chuyên Nghiệp

Vinhomes Grand Park – Tp. Thủ Đức

Hotline: 089.9495.135

Email: info@www.vnprop.com

Website: https://www.vnprop.com

0/5 (0 Reviews)